Nếu mở hai cuộc bình chọn Chủ tịch giỏi nhất và tồi nhất trong lịch sử CLB Barca, Josep Maria Bartomeu sẽ là ứng viên sáng giá trong cả hai.
Lịch sử bóng đá thế giới mới ghi nhận bảy CLB giành được cú ăn ba trong một mùa giải – vô địch quốc gia, đoạt Cup Quốc gia và Champions League. Đấy là Celtic, Ajax, PSV Eindhoven, Bayern, Inter, Man Utd và Barca.
Trong bảy CLB này, chỉ có Barca “ăn ba” hai lần. Và Chủ tịch của Barca trong cú “ăn ba” thứ hai, vào năm 2015, chính là Bartomeu.
Trong sáu năm Bartomeu ngồi ghế Chủ tịch, Barca giành 71 danh hiệu thể thao. Bên cạnh bóng đá, Barca còn giành Cup ở các môn khúc côn cầu và bóng đá bãi biển. Một đóng góp quan trọng khác của Bartomeu là xây lại nhịp cầu với gia đình của Johan Cruyff. Mối quan hệ giữa hai bên đã xấu đi trông thấy sau khi cựu Chủ tịch Sandro Rosell hủy danh hiệu Chủ tịch danh dự của Cruyff năm 2010. Ngày ấy, bà Danny Cruyff, vợ của Johan, đã thề sẽ không bao giờ đặt chân trở lại Camp Nou.
Dưới thời Bartomeu, Barca đã lấy tên Johan Cruyff đặt cho sân tập mới của CLB. Bà Danny cũng xuất hiện trở lại ở lô ghế VIP trong các trận đấu sân nhà của Barca. Bartomeu rất được khen vì tư tưởng hòa giải và về nguồn ấy.
Trong thời Covid-19, Barca cũng đi đầu trong việc cung cấp cơ sở, hỗ trợ cho lực lượng y tế Catalonia. Ấy vậy mà khi đánh giá đầy đủ nhiệm kỳ Chủ tịch của Bartomeu, những gì nhìn thấy là “bản luận tội” cũng dài như công trạng.
Giữa cơn đại dịch mịt mù, đáng ra những con người tại Barca phải nỗ lực giúp đỡ CLB, nhân viên và người hâm mộ vượt qua vấn nạn virus. Nhưng thực tế chỉ là màn quay lưng của giới thượng tầng với vị Chủ tịch.
Từ lâu trước khi thị trường chuyển nhượng mở cửa – thứ đã luôn tràn ngập trên các mặt báo địa phương dù chẳng ai hay khi nào phiên chợ hè mới diễn ra, hay liệu Barca có còn đủ tiềm lực tài chính để nhảy vào hay không, Bartomeu đã nhận về không ít cái lắc đầu từ những tên tuổi lớn.
Cũng như Jordi Cruyff từng một lần từ chối, Carles Puyol đã đáp “Không, cảm ơn” khi được mời giữ ghế thư ký kỹ thuật. Hay vài tuần trước, khi Xavi, cái tên được nhiều người mong chờ sẽ là cứu cánh cho CLB, được mời làm HLV cho đội, câu trả lời của anh cũng là “Không, cảm ơn”. Từ chối lịch sự cũng là phản ứng của Ronald Koeman.
Năm 2016, Bartomeu đã đề nghị Neymar gia hạn hợp đồng với mức lương rất “khủng”. Câu trả lời của phía Neymar là “không hứng thú”, trước khi anh dứt áo bỏ sang PSG. Những danh thủ một thời của Barca khi ấy dường như đã đánh hơi thấy có điềm chẳng lành nơi vị chủ tịch này.
Khi nói về môi trường đội bóng mà mình sẽ tạo dựng nếu trở lại làm HLV Barca, Xavi bảo sẽ gạch tên những cá thể “độc hại” ra khỏi Camp Nou và cơ sở huấn luyện.
Liệu anh ta có đang ám chỉ Bartomeu, người đã sa thải hết giám đốc bóng đá này đến giám đốc bóng đá khác trong vài mùa gần đây? Người đã chối bay chối biến vụ bê bối mượn tay công ty truyền thông để bôi nhọ hình ảnh của các đối thủ cũng như ngôi sao tại Camp Nou dù chứng cứ đã rõ rành rành?
Liệu Xavi có ám chỉ Bartomeu, người chối bay chối biến khi bị Lionel Messi chỉ trích thẳng mặt vì anh tin rằng giới thượng tầng tại Camp Nou đã rò rỉ thông tin về thời gian đàm phán cắt giảm 70% lương của các cầu thủ cho truyền thông xứ Catalonia? Hay đơn giản Xavi chỉ đang ám chỉ bầu không khí độc hại, phản bội, lừa gạt, chọc ngoáy đã và đang bao trùm lấy Camp Nou dưới triều đại của Bartomeu?
Mỗi người sẽ có cho mình một kết luận.
Một trong những lý do quan trọng khác khiến Bartomeu mất điểm trước công chúng là ông dường như không biết nhận lỗi. Những cụm từ như “Tôi thấy (chúng) tôi đã sai ở đâu”, “Chúng tôi đã rút ra được bài học”, “Chúng tôi đang lắng nghe những lời chỉ trích”, “Chúng tôi sẽ không mắc phải sai lầm tương tự nữa”… đơn giản là không tồn tại trong từ điển của vị chủ tịch này.
Một trong những sai lầm chết người đáng bị đem ra mổ xẻ nhất trong bản luận tội Bartomeu chính là việc quên đi mục đích thực sự của một chủ tịch Barca. Mục tiêu trọng yếu của họ là phải đảm bảo CLB có được một chiến lược thương mại và thể thao lành mạnh, sáng suốt và thực tế, đồng thời phải được thực hiện, kiểm tra và cập nhật một cách minh bạch. Cứ thế, tiếng tăm đi cùng những thành công, những danh hiệu sẽ tới. Nhưng Bartomeu lại phủi đi tất cả và chăm chăm cho bản thân, chú tâm toàn lực vào triều đại của ông hơn là những giá trị cốt lõi của CLB.
Về khoản này, ông không phải người duy nhất. Ngay cả Laporta, vị chủ tịch thành công nhất lịch sử Barca, cũng từng đối diện với những chỉ trích nội bộ, rằng ông dường như đã cố sử dụng hình ảnh của CLB cho những mục đích cá nhân và chính trị.
Trở thành chủ tịch không hề đơn giản, nhưng Bartomeu là người đã thẳng tay bác bỏ những chính sách từng đưa Barca từ bãi phế liệu lên đỉnh thế giới trong vòng sáu năm.
Khi Laporta tiến hành đại tu toàn thể CLB năm 2003, đội bóng đã trải qua sáu năm ròng rã đói khát danh hiệu. Vị luật sư này sau đó đã dùng Cruyff làm ngôi sao Bắc Đẩu, dùng học trò của Cruyff làm nhân viên và dùng những cầu thủ do Cruyff tuyển chọn làm nòng cốt. Nhờ đó, từ đống hoang tàn một thời, Barca đã lột xác và đem lại những danh hiệu và sự mến mộ. Quan trọng hơn nữa là sự hâm mộ lớn lao dành cho lối chơi biến ảo mang “DNA” của Cruyff.
Bartomeu dần dần bám theo lối mua bán bom tấn kiểu Galactico. Nửa tỷ euro (bao gồm phí chuyển nhượng, lương bổng, thuế má và phí môi giới) đã được đổ vào ba cầu thủ là Philippe Coutinho, Ousmane Dembele và Antoine Griezmann. Nhưng chẳng ai trong số họ thực sự đáng đồng tiền bát gạo.
Bartomeu sau đó cho rằng việc trở thành CLB đầu tiên cán mốc giá trị 1 tỷ euro sẽ đáng ao ước hơn là một quỹ lương ổn định, hơn cả việc đào tạo ra những sản phẩm chất lượng từ hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ kiểu Cruyff. Màn cạnh tranh quyết liệt của ông với chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid trong cuộc đua tới ngôi vương CLB tỷ euro đã trở thành tấm bình phong che đi những sai lầm và lệch hướng tại Camp Nou.
Bartomeu liệu có tiên dự được Covid-19 sẽ tới và đóng băng mọi thứ, để ông loay hoay không biết phải chi trả cho CLB thế nào và ngày ngày mong đợi các giải đấu châu Âu nhanh chóng hoàn tất để giảm thiệt hại tài chính không? Đương nhiên là không. Nhưng có một quy luật chung bất biến mà bất kỳ ai, từ bất kì đâu, cũng có thể hiểu được: Nếu bạn chi tiêu nhiều hơn mức mà bạn có thể trang trải, mọi thứ sẽ dần đẩy bạn đến bờ vực.
Và điều đó hoàn toàn có thể áp dụng lên triều đại của Bartomeu tại Barca. Nền thương mại đóng băng bởi đại dịch đã vạch trần toàn bộ tội trạng của Bartomeu, nó khiến những người bất đồng, ngờ vực hay chống lại ông nắm cửa trên trong mối quan hệ bất hòa đầy rắc rối.
Trong suốt thời gian tại vị, Bartomeu đã hưởng lợi rất nhiều từ di sản của Cruyff. Ông kế thừa những cầu thủ được ký kết bởi Cruyff hoặc dựa trên những nguyên tắc của vị huyền thoại này. Nghĩa là ngoài mặt Bartomeu đặt Cruyff lên bệ thờ, nhưng trong lòng ông lại cho là tư tưởng của Cruyff lỗi thời. Barca dưới thời Bartomeu là một thứ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đúng nghĩa.
Với vị chủ tịch tham lam này, cú ăn ba năm 2015 hẳn khiến ông cảm thấy mình như gã trai bước vào sòng bạc tại Monte Carlo, mạnh dạn cược 50 euro với 15 xu đỏ và hí hửng thu về 1.750 euro. Nhưng ông càng chơi lại càng cuốn, mất nhiều hơn được, để rồi cứ hoài chạy theo vận đỏ mà bỏ mặc những nề nếp quy củ, cứ thế quăng tiền ra cửa sổ rồi trắng tay.
Việc chạy theo hai ý tưởng đối nghịch là “Tôi hiểu rõ hơn” và “Cái này là lỗi của người khác” đã mang về cho Bartomeu không ít thiệt hại. Và điều đó diễn ra đúng vào lúc mà CLB cần sự lãnh đạo tài tình, thực tế và sáng suốt để chèo lái qua những bờ vực tài chính, đạo đức và chuyên môn đang chực chờ nuốt lấy Barca một khi cơn khủng hoảng hãy còn kéo dài. Các cầu thủ, giới phê bình và đối địch của ông đều biết điều này, và hãy xem họ tụ lại và bắt đầu tận dụng điều đó để chiếm ưu thế trong cuộc chiến vương quyền.
Sự chuộc lỗi, đối với Bartomeu, phụ thuộc phần nhiều vào việc nhìn nhận sai lầm, làm việc minh bạch và nỗ lực hết mình để chứng tỏ ông xứng đáng với năm cuối trong nhiệm kỳ. Nhưng có lẽ, thời gian không còn chờ đợi Bartomeu nữa. Và ông sẽ được nhớ đến như một trong những vị Chủ tịch có công lớn và có tội cũng nhiều không kém.
Nguồn: VnExpress